THAM LUẬN: Giáo Dục Hệ Trung Cấp Phật Học tại tỉnh Tiền Giang: Thực Trạng và Giải Pháp

30/07/2023 18:38

GIÁO DỤC HỆ TRUNG CẤP PHẬT HỌC TẠI TỈNH TIỀN GIANG  "THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP"

ĐĐ. ThS THÍCH HUỆ PHÁT

                                           Hiệu Trưởng Trường TCPH tỉnh Tiền Giang

 

A.  Dẫn Nhập

Để xây dựng được một ngôi nhà vững chắc thì nền móng phải vững chắc. Để xây dựng một nền giáo dục vững chắc thì nền móng phải vững chắc. Tăng ni sinh thời hiện đại là những người kế thừa truyền thống ngàn đời của Phật giáo và cũng là người tiếp nối mạng mạch Phật pháp với xã hội ngày nay. Nhưng điều cần khẳng định là giáo dục Tăng Ni là giáo dục nhà chùa, lấy sự phát triển tâm linh, đạo đức, thiền định, hoằng truyền làm mục tiêu cho mọi sinh hoạt. Chính vì thế việc đào tạo Tăng Ni trẻ trong thời đại hiện nay là một nhiệm vụ cấp thiết của nền giáo dục Phật giáo nói chung, trường Trung cấp Phật học Tiền Giang nói riêng. Để đạt được chất lượng cao trong giáo dục thì đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Phật giáo Việt Nam theo hướng hiện đại hoá, và hội nhập quốc tế, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo thọ và cán bộ quản lý là khâu then chốt.

Vì vậy, việc nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra tại trường Trung cấp Phật học Tiền Giang, để có thể đậu vào các Học viện Phật giáo, Cao đẳng Phật học hoặc trở về địa phương làm công tác Phật sự đẹp đạo tốt đời… là mục tiêu hàng đầu. Những năm gần đây, trường đã đạt được những thành tựu đáng kể, bên cạnh đó cũng còn một vài mặt hạn chế cần khắc phục cho phù họp. Hệ trung cấp Phật học này vẫn còn nghiêng nặng phong cách truyền thống từ chương, nặng tính vùng miền, chưa thực sự đồng bộ và chuyên nghiệp. Hơn thế nữa, với hiện trạng cơ sở vật chất chưa đáp ứng được tiêu chí giáo dục, số lượng Tăng ni sinh mỗi ngày mỗi giảm, bị ảnh hưởng khá nhiều vào xu thế công nghệ hiện đại và lối sống nặng nề về vật chất, giáo thọ lại đảm trách quá nhiều công tác Phật sự với hệ quả là một số trường Trung cấp Phật học hoạt động mang tính cầm chừng, thiếu hiệu quả. Giáo dục Phật giáo cần quan tâm hơn về phương diện hành trì để chuyển hoá tham, sân, si, không đơn thuần chỉ giảng dạy lý thuyết suông.

Trước thực trạng này, Người viết xin trình bài tham luận với chủ đề: “Giáo Dục Hệ Trung Cấp Phật Học tại tỉnh Tiền Giang: Thực Trạng và Giải Pháp”.

B.   NỘI DUNG

I. GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TẠI TIỀN GIANG TRƯỚC 1975 ĐẾN NAY

1. Sơ lược Giáo dục Phật giáo trước 1975

Giáo dục Phật giáo tại Tiền Giang trước 1975 có 2 hình thức giáo dục tiêu biểu là Phật học viện và lớp gia giáo. Phật học viện có Phật học viện Phật Ân, Thành phố Mỹ Tho (ngày nay là chùa Phật Ân, Trụ sở Trường trung cấp Phật học Tiền Giang, địa chỉ: Số 5 Ngô Quyền,  phường 7, Thành phố Mỹ Tho) do ông Chủ Lễ và một số Phật tử xây dựng để hiến cúng cho chư tôn đức trong Giáo hội Tăng già Việt Nam làm cơ sở đào tạo Phật học cho Tăng Ni. Hoạt động từ năm 1952 đến 1962. Các Thượng toạ được phân công quản lý Phật học viện có: Thượng toạ Thích Pháp Siêu, Thượng toạ Thích Liễu Minh.

Các lớp gia giáo đào tạo Tăng sinh: chùa Tiên Long, phường Tân Long, Thành phố Mỹ Tho; chùa Phước Lâm, xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang. Mỗi cơ sở đào tạo hơn 40 Tăng sinh.

Các lớp gia giáo đào tạo ni sinh gồm có: Lớp gia giáo chùa Sắc Tứ Linh Thứu, lớp gia giáo Quan Âm Tu Viện, lớp gia giáo chùa Phổ Đức, lớp gia giáo chùa Phật Bửu Ni.

 Lớp Phật học gia giáo dành cho ni sinh đầu tiên trong tỉnh Tiền Giang được đặt tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu, xã Thạnh Phú, huyện Châu Thành, hoạt động được 2 năm từ năm 1950 - 1952 với số lượng khoảng 40 ni sinh. Do các Ni Trưởng Như Nghĩa, Như Chơn và Thông Huệ quản lý, dưới sự chứng minh của Hoà thượng Thích hành Trụ, Hoà thượng Thích Trí Thủ và Hoà thượng Thích Thiện Hoà.

Lớp Sơ Đẳng Phật học tại Quan Âm Tu Viện, xã Bình Đức, Thành phố Mỹ Tho, do Ni trưởng Minh Ngọc và Giác Nhẫn đồng trụ trì. Nơi đây giảng dạy cho gần 50 ni chúng[1] từ các tỉnh miền tây. Ban giảng huấn gồm: Hoà thượng Thích Huyền Vi, Hoà thượng Thích Thanh Từ, Hoà thượng Thích Trí Châu, Hoà thượng Thích Thiền Định, Hoà thượng Thích Nhựt Long.

Lớp gia giáo chùa Phổ Đức, phường 5, Thành phố Mỹ Tho do hai vị Ni trưởng Như Ngộ và Trí Nguyện thành lập năm 1964, lớp gia giáo cho ni sinh hơn 40 vị.

Vào những năm năm mươi của thế kỷ 20, Chùa Phật Bửu Ni có lớp Phật học gia giáo dành cho ni sinh, số lượng hơn 40 vị.

Năm 1935, Lưỡng Xuyên Phật học hội ra đời, đã xuất bản được tạp chí Duy Tâm. Tại Tiền Giang, có các vị danh tăng như Hoà thượng An Lạc, Hoà thượng Thiên Trường, Hoà thượng Quảng Ân đã tham gia và chung tay xây dựng hội.[2]

Giáo dục Phật giáo tại tỉnh Tiền Giang trước năm 1975 chủ yếu là hình thức giáo dục gia giáo, tuy có Phật học viện nhưng chỉ hoạt động được thời gian ngắn rồi đóng cửa do chiến tranh. Do đó việc giáo dục Phật giáo tại Tiền Giang không đạt được như kỳ vọng mà chư Tăng ni tỉnh nhà đặt ra.

2. Giáo dục Phật giáo tại Tiền Giang từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 1981

Nguyện vọng thống nhất Phật giáo Việt Nam đã thực hiện qua các thời kỳ, nhưng chưa được trọn vẹn. Từ năm 1975, Tổ quốc đã thống nhất, cả nước đoàn kết phấn đấu vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, Phật giáo Việt Nam đã có đầy đủ cơ duyên thực hiện nguyện vọng thống nhất trọn vẹn các tổ chức Giáo hội, tổ chức Hội và các Hệ phái Phật giáo, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 07/11/1981.[3] Đại hội Phật giáo đầu tiên trải qua 5 ngày làm việc đã thành công tốt đẹp, Hoà thượng Thích Trí Thủ được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, giáo hội có Hiến chương, Nội quy hoạt động, được nhà nước công nhận.

Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ nhất, Phật giáo Tiền Giang có 4 vị Hoà thượng tham gia Hội đồng chứng minh và Hội đồng Trị sự GHPGVN: Hoà Thượng Thích Pháp Tràng, Hoà thượng Thích Đạt Hương, Hoà thượng Thích Hoằng Thông, Hoà thượng Thích Nguyên Thạnh. Sau Đại hội, Trung ương giáo hội phân công cho 4 vị về Tiền Giang lo công việc vận động thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Phật giáo Tiền Giang thời điểm đó chủ yếu là Giáo hội Lục hoà hoạt động nên việc thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh gặp khó khăn do có nhiều quan điểm bất đồng. Năm 1984, Hoà Thượng Thích Pháp Tràng viên tịch, Hoà thượng Thích Huệ Thông được Uỷ ban Mặt Trận Tổ Quốc tỉnh mời bổ sung vào Ban vận động thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang và được Trung ương Giáo hội chấp thuận.

Ban vận động triển khai nội dung thống nhất Phật giáo tỉnh gồm các vấn đề sau:

a. Tổ chức các cuộc hiệp thương với các hệ phái Phật giáo trong tỉnh để nhất trí và đề cử nhân sự tham gia Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.

b.  Lập danh sách cơ cấu nhân sự tham gia Ban Trị sự đầy đủ các thành phần hệ phái.

c.   Soạn thảo Văn kiện Đại hội

d.  Dự trù kinh phí và thành lập Ban vận động Đại hội.

Cuối cùng, Đại hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang lần thứ nhất đã được tổ chức vào 2 ngày 08 và 09 tháng 01 năm 1985 tại chùa Vĩnh Tràng, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. số lượng đại biểu tham dự là 150 đại biểu.[4] Đại hội đã thông qua Hiến chương, Nội qui sinh hoạt của Trung ương GHPGVN, suy cử 8 vị Hoà thượng vào Ban chứng minh, 21 Tăng ni và Phật tử tham gia Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, nhiệm kỳ I (1985-1987). Do Hoà thượng Thích Bửu Thông làm Trưởng ban Trị sự, Hoà thượng Thích Nguyên Thạnh làm Phó Trưởng Ban Thường trực.[5]

Sau khi thành lập Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Tiền Giang, chư Tôn đức lãnh đạo Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hội nhận thấy vấn đề đào tạo tăng ni có trình độ Phật học lẫn thế học là nhiệm vụ rất cấp thiết. Một mặt, đáp ứng nhu cầu nhân sự cho giáo hội. Mặt khác, tạo điều kiện cho Tăng ni tỉnh nhà tiếp cận Kiến thức Phật học để tạo nền móng vững chắc cho sự phát triển Phật giáo tại Tiền Giang.

Ban Trị sự Phật giáo tỉnh hội Tiền Giang tiến hành các thủ tục hành chánh để xin phép Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN và Uỷ Ban nhân dân tỉnh Tiền Giang thành lập trường cơ bản Phật học. Vào tháng 05 năm 1990 , được sự cho phép của Hội đồng Trị sự GHPGVN theo quyết định số 101/QĐ.HĐTS và công văn số 48/CV.UB ngày 15 tháng 05 năm 1990 của uỷ  Ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, Trường cơ bản Phật học tỉnh Tiền Giang được thành lập do Hoà thượng Thích Hoằng Thông đảm nhiệm chức vụ hiệu trưởng. Trường đặt tại chùa Vĩnh Tràng, xã Mỹ Phong, Thành phố Mỹ Tho. Năm 1995, Trường được dời về chùa Phật Ân, phường 7, Thành phố Mỹ Tho.

Chư tôn đức trong Ban Giám hiệu vận động Tăng ni trong tỉnh tham gia lớp học cơ bản Phật học. Lớp cơ bản Phật học khoá I (1990-1994) chiêu sinh được 45 Tăng ni sinh (Tăng 20, ni 25). Hiện nay, Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang đang đào tạo lớp trung cấp khoá VIII (2020-2023) và lớp Cao đẳng khoá V (2022-2024).

II. THỰC TRẠNG GIÁO DỤC PHẬT GIÁO TẠI TIỀN GIANG HIỆN NAY

1.    Cơ sở vật chất.

1.1. Thuận lợi.

  • Được sự quan tâm của lãnh đạo của Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang, Ban giáo dục Phật giáo tỉnh Tiền Giang trong việc xây dựng cơ sở vật chất nhà trường theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa trường lớp.
  • Nhận được sự hỗ trợ về kinh phí của Ban bảo trợ nhà trường và các mạnh thường quân.
  • Có hệ thống thư viện và phòng vi tính để phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu cho Tăng Ni sinh.

1.2. Khó khăn.

  • Trường nằm trong trung tâm thành phố, diện tích còn nhỏ hẹp, chưa có nhiều không gian cho Tăng ni sinh.
  • Rất ít Tăng Ni sinh và Giáo thọ đến thư viện để đọc sách.

1.3. Giải pháp

1.3.1  Nhiệm vụ 1: Công tác thư viện

a. Chỉ tiêu:  Nâng cao hiệu quả hoạt động thư viện, 100% Giáo thọ sư và Tăng Ni sinh đến thư viện đọc sách.

b. Biện pháp thực hiện:

  • Xây dựng thư mục chuyên đề, tổ chức các hoạt động thông tin thư mục, tạo điều kiện cho người đọc khai thác và sử dụng hiệu quả vốn tài liệu hiện có.
  • Thống kê tình hình sách của thư viện, tiến hành phân loại, đánh mã sách, lập tủ phích, làm thẻ thư viện cho Tăng Ni sinh và cho mượn sách.
  • Thường xuyên theo dõi, thống kê số lượng bạn đọc ở từng học kỳ, từng năm để có kế hoạch phát triển thư viện theo từng năm học.
  • Thống kê và định giá trị của từng loại sách trong thư viện để có biện pháp bảo vệ, giữ gìn.
  • Thường xuyên kiểm tra và có biện pháp chống mối mọt ở thư viện.

1.3.2. Nhiệm vụ 2: Công tác các phòng học.

a. Chỉ tiêu:

  • Lắp đặt máy chiếu cho các phòng học.
  • Giáo thọ sử dụng hiệu quả trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy khi lên lớp.

b. Biện pháp thực hiện:

  • Thống kê toàn bộ tài sản hiện có ở mỗi phòng học, hoàn chỉnh hồ sơ sổ sách. Xác định hiệu quả trang thiết bị hiện có để có định hướng mới.
  • Lên kế hoạch cho nhóm tin học tổ chức bảo dưỡng, bảo trì các máy tính, máy chiếu…

2.  Thực trạng triển khai chương trình đào tạo và tư liệu giảng dạy của Ban giáo dục Phật giáo tại trường TCPH Tiền Giang

2.1. Chương trình đào tạo

Trường áp dụng chương trình đào tạo ba năm, các môn được đưa vào giải dạy gồm Kinh, Luật, luận và ngoại điển. Các môn học được bố trí theo các năm sau:

STT MÔN HỌC
NĂM I
1 Kinh Pháp Cú
2 Kinh A Hàm
3 Oai Nghi
4 Tiếng Việt Thực Hành
5 Phật Pháp Căn Bản
6 Sử Phật và Thánh Chúng
7 Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam
8 Kinh Tứ Thập Nhị Chương
9 Kinh Di Giáo
10 Quy Sơn Cảnh Sách
11 Hán Văn
12 Anh Văn
NĂM II
1 Kinh Mi Tiên
2 Kinh Trung Bộ
3 Kinh Duy Ma Cật
4 Nhị Khóa Hiệp Giải
5 Bồ Tát Giới Yếu Giải
6 Pháp Luật Việt Nam
7 Bách Pháp Minh Môn
8 Luật 10 Tông Phái
9 Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc
10 Lịch Sử Việt Nam
11 Văn Học Phật Giáo
12 Hán Văn
13 Anh Văn
NĂM III
1 Kinh Pháp Bảo Đàn
2 Kinh Kim Cang
3 Thiền Lâm Bảo Huấn
4 Pháp Luật Việt Nam
5 Duy Thức Tam Thập Tụng và Bát Thức
6 Tọa Thiền Chỉ Quán
7 Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ và Thiền Tông
8 Mười Tông Phái Phật Giáo Trung Hoa
9 Văn Học Phật Giáo
10 Nhị Khóa Hiệp Giải
11 Hán Văn
12 Anh Văn

 

2.2. Ưu Điểm

 

  • Hiện nay, một số môn học đã có giáo trình của Ban Giáo dục Phật giáo Trung Ương dành cho Trung cấp Phật học
  • Tư liệu sách vở phong phú góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

2.3. Hạn chế

  • Tăng Ni sinh khác nhau về độ tuổi và trình độ văn hoá. Đây là khó khăn lớn để tổ chức chương trình dạy và học khi trình độ đầu vào không đồng đều.
  • Chưa có chương trình đào tạo thống nhất các môn học, hệ thống học liệu và giáo trình, tập bài giảng, sách giáo khoa chung cho hệ thống đào tạo Trung cấp Phật học các tỉnh thành trong cả nước.
  • Hiện nay, phần lớn trong chương trình đào tạo trình độ Trung cấp Phật học vẫn nặng về lý thuyết, kinh điển mà hàm lượng, thời gian thực hành cho Tăng Ni sinh rất ít. Do vậy, Tăng Ni sinh thiếu những kiến thức thực tế cũng như các tình huống tu tập phát sinh trong thực tiễn.
  • Bộ giáo trình chưa đầy đủ cho tất cả các môn. Giảng viên phải tự tìm tài liệu gây khó khăn trong việc thống nhất tư tưởng.


3. Ban Giảng huấn

Ban giảng huấn có 29 Giáo thọ ( 19 Tăng, 10 Ni) cơ hữu và một số giáo thọ thỉnh giảng.

3.1 Ưu điểm:

  • Ban giảng huấn là những vị giáo thọ có học vị từ Cử nhân Phật học trở lên, ( 5 vị Thạc sĩ, 5 Tiến sĩ).
  • Giáo viên được mời giảng là những vị giàu kinh nghiệm, hiện đang giảng dạy tại các trường đại học.
  • Đội ngũ giáo thọ có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy.

3.2 Hạn chế

  • Nhiều Giáo thọ không giỏi về công nghệ và chưa vận dụng các thiết bị giảng dạy hiện đại vào bài giảng.
  • Hiện nay, phần lớn trong chương trình đào tạo trình độ Trung cấp Phật học vẫn nặng về lý thuyết, kinh điển mà hàm lượng, thời gian thực hành cho Tăng Ni sinh rất ít. Do vậy, Tăng Ni sinh thiếu những kiến thức thực tế cũng như các tình huống tu tập phát sinh trong thực tiễn.

4. Vấn đề về số lượng học viên

Từ khi mới thành lập, Lớp cơ bản Phật học khoá I (1990-1994) chiêu sinh được 45 Tăng ni sinh (Tăng 20, ni 25). Lớp cơ bản Phật học Khoá II (1994-2001) chiêu sinh được 95 Tăng ni sinh (Tăng 40, Ni 55). Đến Năm 2001, Trường Cơ Bản Phật học tỉnh Tiền Giang đổi tên thành Trường Trung cấp Phật học tỉnh Tiền Giang. Lớp Trung cấp Phật học khoá III (2001-2005) chiêu sinh được 125 Tăng ni sinh (Tăng 40, Ni 85). Lớp Trung cấp Phật học khoá IV (2006-2009) chiêu sinh được 120 Tăng ni sinh (Tăng 61, Ni 59). Lớp Trung cấp Phật học khoá V (2009-2013) chiêu sinh được 165 Tăng ni sinh (Tăng 55, Ni 110). Lớp Trung cấp Phật học khoá VI (2013-2017) chiêu sinh được 165 Tăng ni sinh (Tăng 70, Ni 95). Lớp Trung cấp Phật học khoá VII (2017-2020) chiêu sinh được 109 Tăng ni sinh (Tăng 55, Ni 54). Lớp trung cấp Phật học khoá VIII (2020-2023) chiêu sinh được 68 Tăng ni sinh (Tăng 35, Ni 33).

Các con số thống kê cho thấy số lượng Tăng ni sinh tham gia các khoá học Trung cấp của Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang thời gian gần đây giảm sút so với các khoá trước do các nguyên nhân chính sau đây:

a. Nhiều Trường Trung cấp học Phật mới được thành lập. Tăng sinh ni ở những tỉnh có trường trung cấp thường có xu hướng không giới thiệu Tăng ni sinh đi tỉnh khác học khi năm đó là năm trường của tỉnh đó chiêu sinh khoá mới.

b. Do chương trình đào tạo rút ngắn từ 4 năm xuống 3 năm.

c. Số lượng người xuất gia giảm sút, từ năm 2017 đến năm 2023, trong tỉnh Tiền Giang trung bình mỗi năm có khoảng 20 nam nữ cư sĩ Phật tử phát tâm xuất gia.

 

5. Đời sống nội trú của Tăng Ni sinh.

Do đặc thù trường nội trú là các Tăng Ni sinh học tập và sinh hoạt tại trường nên công tác giảng dạy và sinh hoạt tại trường đang hết sức được chú trọng, đảm bảo cho các Tăng Ni sinh có sức khỏe tốt, phát triển đều cả về trí lực và thể lực. Chính vì vậy công tác quản lí, giảng dạy và sinh hoạt của các Tăng Ni sinh nội trú tại trường Trung cấp Phật học Tiền Giang đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng góp phần to lớn trong việc duy trì số lượng, nâng cao tỷ lệ chuyên cần và chất lượng giáo dục toàn diện cho các Tăng Ni sinh.

  • Tăng ni sinh sống đời sống nội trú trên tinh thần lục hòa cộng trụ, thanh quy thiền đường, quy cũ tòng lâm và nội quy của nhà trường.
  • Tăng ni sinh có môi người nội trú đầy đủ về cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng đầy đủ đáp ứng nhu cầu tu học.
  • Tăng Ni sinh hoàn toàn được miễn phí: Học phí, sinh hoạt phí….
  • Được sự quan tâm của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.

6. Chất Lượng Đào Tạo

  • Chất lượng đào tạo có xu hướng đi xuống do ảnh hướng của mạng xã hội, Tăng ni sinh không còn dành nhiều thời gian cho việc học thuộc kinh luật luận, mà thường tiêu tốn thời gian rất nhiều trên mạng xã hội. Nghiện điện thoại, nghiện internet không chừa bất cứ một ai, dù người trẻ hay người có tuổi.
  • Tăng ni sinh thường học cho có bởi vì không có mục đích rõ ràng và việc đầu vào thi tuyển cử nhân Phật học có phần dễ dãi nên cũng là yếu tố làm cho Tăng ni sinh không có sự phấn đấu trong  học tập.
  • Khi Trường để ra những quy định nghiêm khắc với mục đích giúp Tăng ni học tập tốt hơn thì một số Tăng ni sinh có xu hướng bỏ học, đi tìm đến trường dễ hơn để học. Điều này cho thấy chưa có sự đồng bộ nhất quán giữa các trường Trung cấp Phật học.
  • Ban Giảng huấn của Trường Trung cấp Phật học Tiền Giang chủ yếu là Tăng ni đã tốt nghiệp cử nhân học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp. HCM.  Trình độ Phật học của các vị giáo thọ cũng có phần hạn chế do cơ chế giáo dục của Học viện Phật giáo Tp. HCM, trung bình chỉ học từ 2 năm rưỡi đến 3 năm là tốt nghiệp cử nhân Phật học, Tăng ni sinh chưa đủ thời gian nghiên cứu để am tường giáo lý Phật học nên trình độ Phật học có phần yếu kém so với thời gian trước. Tuy điều kiện học tập và nguồn tài liệu được tiếp cận dễ dàng hơn nhờ internet.

III. GIẢI PHÁP CHUNG

  • Ban Giáo dục Phật giáo Trung ương cần thống nhất cho các Trường Trung cấp Phật học trong cả nước về chương trình đào tạo, sách giáo khoa, chuẩn đầu vào và đầu ra.
  • Đối với Ban Giám hiệu, chúng ta cần đặt ra những yêu cầu về chuyên môn và phẩm hạnh. Lựa chọn nhân sự có năng lực lãnh đạo và thường xuyên mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý đối với đội ngũ làm công tác quản lý hành chính. Đặc biệt chú trọng đến kinh nghiệm quản lý và có chế độ đãi ngộ thỏa đáng.
  • Tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, khảo sát thực tế, nhằm trau dồi những kiến thức và bài học thực tiễn cho Tăng Ni sinh, gắn học đi đôi với hành.
  • Nâng cao chất lượng đội ngũ Giáo thọ và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ giảng dạy trong hệ thống các trường Trung cấp Phật học.
  • Cần chú trọng phát triển xây dựng môi trường văn hoá trường học Phật giáo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lí và dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục trong thời đại mới.
  • Tổ chức các hoạt động tình nguyện, thiện nguyện cho Tăng Ni sinh. Giúp cho Tăng Ni sinh có điều kiện tiếp xúc với môi trường bên ngoài, rèn luyện phẩm hạnh và mang ý tưởng Bồ Tát, tinh thần phổ độ chúng sinh áp dụng vào thực tiễn cuộc sống tu hành nhằm tạo thiện duyên cho xã hội. Rèn luyện ý chí, tinh thần vì lợi ích cho mọi người và cho xã hội, tính tự giác, tự kiềm chế, tính nhẫn nhịn và tinh thần từ bi, hỉ xả, biết hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng, xây dựng ý thức cộng đồng cho Tăng Ni sinh.
  • Đề nghị Ban giáo dục Phật giáo Trung ương nên có những cuộc họp trực tuyến  với các trường Trung cấp Phật học 6 tháng 1 lần hoặc 1 năm 1 lần để nắm bắt tình hình giáo dục và lắng nghe những thuận lợi và khó khăn của các trường. Đồng thời tạo sự gắn kết giữa trung ương và địa phương.
  • Đề nghị Ban giáo dục Phật giáo Trung ương cân nhắc khi quyết định cho thành lập những trường trung cấp Phật học mới. Bởi vì một số Trường trung cấp đang hoạt động với số lượng Tăng ni sinh rất hạn chế.
  • Cần có sự thống nhất trong hệ thống giáo dục Phật giáo từ sơ cấp đến Đại học trách tình trạng chiêu sinh cử nhân Phật học mà không có cấp bằng trung Phật học.

C. KẾT LUẬN

Giáo dục Phật giáo là một trong những Ban ngành mũi nhọn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bởi vì, Giáo dục đào tạo ra thế hệ Tăng ni kế thừa, “ đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển”. Những Tăng ni được đào tạo ra có phẩm chất đạo đức tốt, am tường về Phật học và Luật Phật sẽ hành xử theo đúng chánh pháp khi được bổ nhiệm trụ trì hay đảm nhiệm những chức vụ được giáo hội giao phó từ trung ương đến địa phương. Từ đó giáo hội Phật giáo mới phát triển bền vững lâu dài với thời gian. Nếu Tăng ni không hiểu Phật pháp và hành trì Luật Phật thì sẽ hành xử theo bản năng làm ảnh hưởng đến tự thân và giáo hội.

Trong kinh Pháp cú đức Phật có dạy: “Hươu nai sống giữa đồng, chim liệng giữa tầng không, pháp nào theo pháp đó, chân nhân về chốn không.” Có thể nói rằng: Phật giáo sẽ phát triển bền vững khi Giáo dục Phật giáo làm tốt vai trò và nhiệm vụ của mình. Bởi vì, Giáo dục Phật giáo nắm vài trò then chốt trong sự phát triển của giáo hội. Giáo dục Phật giáo giữ nhiệm vụ giáo dục nhân sự nồng cốt lãnh đạo giáo hội.

Tài Liệu Tham Khảo

  • Kỷ yếu Một Chặng đường của Trường Trung cp Phật học Tiền Giang. Tp. HCM: NXB. Hồng Đức, 2017.
  • Phật giáo tnh Tin Giang: Hình Thành & Phát triển. Tp. HCM: Nxb. Phương Đông, 2012.
  • Thích Nữ Tịnh Nghiêm & Thích Nữ Tuyết Liên. Ni giới Vit Nam - Ni gii Tin Giang: Tiếp bước Tiền Nhân, phát huy chánh pháp. Tp. HCM: Nxb. Tổng hp Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Tu chỉnh lần VI)

Nguồn Internet: